Bạc Liêu: Giật mình cô gái 29 tuổi biến thành bà lão 70

Báo : kienthuc.net.vn (Nhà Báo: Bùi Hương , ngày đăng 18/07/2015)

Trong những ngày vừa qua, ở Bạc Liêu, dư luận đang thắc mắc về trường hợp một sản phụ mới sinh con – cô gái 29 tuổi bỗng dưng biến thành bà lão 70.
29 tuổi, khi đang mang thai thấy vùng da mặt bị sần, ngứa, căng cứng, sưng, nóng, còn toàn thân thì nổi những mụn đỏ li ti, ngứa nên chị Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tại Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) ra tiệm thuốc Tây mua thuốc về bôi thấy bớt ngứa nhưng làn da, khuôn mặt thì bị “biến dạng” như bà lão 70.

Cô gái 29 tuổi biến thành bà lão 70 khi mang bầu

Qua tìm hiểu của chúng tôi được biết, chị Ri vừa mới sinh con thứ 2 ở tuổi 29 nhưng da mặt lại bị lão hóa như một bà già. Trao đổi với chúng tôi, chị Tha Ri cho biết: “Khi đang mang thai bé thứ 2 ở tháng thứ 4 của thai kỳ thì da bắt đầu có hiện tượng lão hóa, chị cứ nghĩ sau khi sinh xong sẽ hồi phục nên không quan tâm”.

Chị Tha Ri cho biết, khi mới mang thai thì người bị nổi đỏ nhưng không đi khám bác sỹ gì cả. Đến tháng thứ 4 thai kỳ thì các triệu chứng ngứa ngáy ngày càng trầm trọng hơn, da vùng mặt bị căng cứng, ngứa, sưng, nóng, còn toàn thân thì nổi những mụn đỏ li ti. Vì quá ngứa nên chị Tha Ri ra tiệm thuốc Tây gần nhà thì được người bán thuốc bán cho 1 tuýp thuốc về thoa (bôi) lên mặt, thoa khoảng 4 – 5 tuýt thì hết ngứa nhưng da mặt và khuôn mặt thì không thay đổi.

Chị Tha Ri chia sẻ: “Em cũng muốn được chữa khỏi bệnh, để có làn da trở lại như xưa, chứ như bây giờ thấy ngại với mọi người và cả với chồng. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa cũng không có điều kiện để đi khám bác sỹ. Hai vợ chồng chăn nuôi heo hộ gia đình và có 2 con nhỏ”.

Theo chị Tha Ri, trong gia đình chị có 4 anh em nhưng không ai bị bệnh như chị, kể cả ba má chị.

bac-lieu-giat-minh-co-gai-29-tuoi-bien-thanh-ba-lao-70Ảnh chụp chị Tha Ri năm 2009.

Viêm nang lông do dùng thuốc bôi có chứa Corticoid

Sau khi tiếp nhận thông tin của bạn đọc và sản phụ – cô gái 29 tuổi Bạc Liên biến thành bà lão 70, phóng viên đã liên hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực Da liễu và Sản khoa để tìm kiếm cơ hội chữa trị cho sản phụ Tha Ri. BSCK II Vũ Hồng Thái, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM tuy bận đi công tác nước ngoài nhưng đã hỗ trợ và giới thiệu cho chúng tôi với BS Trần Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Bạc Liêu đến tận nhà để thăm khám cho sản phụ Tha Ri.
BS Trần Thanh Long sau khi tiếp xúc, thăm khám cho sản phụ Tha Ri cho biết, sản phụ Tha Ri bị viêm nang lông do dùng thuốc bôi có chứa Corticoid. Do sản phụ Tha Ri mới sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ nên chỉ cho dùng thuốc bôi để hỗ trợ các triệu chứng cho bệnh nhân trước. Sau này, khi em bé lớn hơn một chút thì sẽ cho sản phụ khám lại kỹ hơn bằng các phương tiện chẩn đoán bằng máy móc hiện đại ở bệnh viện chuyên khoa.
bac-lieu-giat-minh-co-gai-29-tuoi-bien-thanh-ba-lao-70-hinh-2Chị Tha Ri sau khi sinh con (ảnh chụp tháng 6/2015)

 

Corticoid nguy hiểm như “ma túy”

BS Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên trường Đại học Y Dược TPHCM – Thành viên Hiệp hội Thẩm Mỹ Y khoa Hoa Kỳ cho hay, Corticoid là dược phẩm chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa viêm các loại… được dùng dạng uống, tiêm mạch, tiêm bắp và tiêm tại chỗ hay bôi da tại chỗ. Corticoid dùng lâu dài thường gây nhiều biến chứng như giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như tiểu đường, hội chứng Cushing, cao huyết áp, đặc biệt là hiện tượng nghiện corticoid.

Corticoid bôi da có đặc điểm tác dụng chống viêm, chống dị ứng rất mạnh, tác dụng trị ngọn không trị gốc. Ngoài ra, còn làm da mọng và trắng do tác dụng giữ nước. Những tác dụng trên làm cho người dùng làm đẹp rất thích và nhầm tưởng là sản phẩm tốt. Corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng và gây nghiện.

Theo BS Cẩm Anh, Corticoid nguy hiểm như “ma túy” vì nó vừa là thuốc chống viêm mạnh hiệu quả nhanh nhưng chỉ điều trị triệu chứng, không điều trị nguyên nhân viêm; gây lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, do vậy khi dừng thuốc thì vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước nhiều. Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng; làm giảm đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão. Làn da mỏng dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi, ô nhiễm.

 Corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc, mụn nổi lên kịch phát, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều hơn trước; gây nám da lan rộng, gây dãn mạch làm da hay bị đỏ và nóng rát, da già cỗi sần sùi khi ngừng bôi. Nên cai corticoid khó như cai “ma túy”. Việc điều trị thường kéo dài và đòi hỏi người bệnh phải kiên trì. Người bệnh phải ngưng sản phẩm bôi chứa corticoid dù biết rằng khi ngưng dùng da sẽ diễn biến phức tạp và rất xấu vì hiệu ứng phản hồi corticoid.

bac-lieu-giat-minh-co-gai-29-tuoi-bien-thanh-ba-lao-70-hinh-3

Chứng minh thư của “bà lão” Thạch Thị Tha Ri.

BS Cẩm Anh chia sẻ, với kinh nghiệm gần 15 năm chuyên nghiên cứu về viêm da do corticoid thì sản phụ Tha Ri là ca bệnh nặng và hiếm mà lần đâu tiên BS Cẩm Anh gặp. Vì đa số những bệnh nhân thường bị viêm da kích thích (viêm da tiếp xúc), nổi sẩn đỏ, ngứa, nóng rát, đau nhức, nhiễm trùng tái phát… Theo kinh nghiệm của BS Cẩm Anh thì đây có thể là viêm da hình thái tăng tiết nhờn nên chị Thạch Thị Tha Ri – cô gái biến thành bà lão – cần được soi da bằng thiết bị chuyên dùng (máy soi da xem được lớp nông và sâu của da với độ phóng đại 50 lần) để có những chẩn đoán chính xác.

Để điều trị hiệu quả thì bác sĩ phải thăm khám, soi da, hỏi tiền sử bệnh kỹ và xác định được bệnh nhân dùng thuốc gì, bôi thuốc gì. Thông thường với những ca bệnh nặng thì phải điều trị trên 6 tháng và tích cực bằng những sản phẩm không có corticoid và điều trị tăng cường với biện pháp vật lý kỹ thuật cao để rút ngắn thời gian điều trị, tăng mạnh khả năng lành da nhờ kích thích cho tế bào được tái sinh và kích thích cho các chức năng của tế bào hồi phục nhẹ nhàng và từ từ. Chăm sóc, bảo vệ da cẩn thận hằng ngày cho người bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh phải tuân thủ theo kê toa bác sĩ vì bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt cho phụ nữ mang thai. Có những bệnh cần thiết phải điều trị bằng loại thuốc thuộc nhóm có thể ảnh hưởng đến thai.

Thuốc bất kỳ loại nào cũng đều có tác dụng chính và tác dụng phụ
Đối với thai phụ, các tác dụng ngoại ý có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Khi có bất kỳ vấn đề gì về sức khoẻ, thai phụ cần lưu ý nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là phải đến bác sĩ khám. Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ sẽ suy giảm hơn từ khi bắt đầu mang thai, do đó, thai phụ rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, cảm lạnh và cúm. Và trong các trường hợp này chỉ có bác sĩ mới có những lời khuyên tốt nhất sau khi đã khám và làm các xét nghiệm cần thiết. Thai phụ không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ dẫn đến sẩy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén… nếu được dùng không đúng chỉ định, liều lượng và cách dùng. Trong 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn hình thành và phát triển các cơ quan trong cơ thể thai nhi. Tác động từ bên ngoài như nhiễm siêu vi, thực phẩm, môi trường hoặc dùng thuốc không phù hợp đều có khả năng gây dị tật bẩm sinh, thai lưu hoặc sẩy thai. Phụ nữ có thai, phụ nữ đang thời kỳ cho con bú, trẻ em nói chung, người cao tuổi, nhất thiết khi sử dụng thuốc phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
TS.BS Lê Thị Thu Hà (Trưởng Khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM)

Nguồn: http://kienthuc.net.vn/song-4-mau/bac-lieu-giat-minh-co-gai-29-tuoi-bien-thanh-ba-lao-70-528601.html